MỘT SỐ LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở VĨNH PHÚC

2017.06.06

Vĩnh Phúc là một tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam vốn bao gồm tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên trước đây. Trong thời kỳ Pháp tạm chiếm đóng miền Bắc giai đoạn 1946-1954, tỉnh này còn có tên gọi là tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. 

Theo kết quả điều tra dân số 01/04/2009 dân số tỉnh Vĩnh Phúc là 1.100.838 người. Đây là tỉnh có vị trí nằm giữa trung tâm hình học của miền Bắc Việt Nam và là một trong số ít tỉnh thành của Việt Nam tự chủ được thu chi ngân sách từ năm 2003, là một trong những tỉnh thành luôn có đóng góp ngân sách lớn nhất ở miền Bắc sau Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Hiện nay, vùng đất tỉnh Vĩnh Phúc chính là phần đất của tỉnh Vĩnh Yên cũ kết hợp với thị xã Phúc Yên, sau khi các huyện của tỉnh Phúc Yên cũ đã lần lượt sáp nhập vào thành phố Hà Nội là Đông Anh, Yên Lãng (nay đã hợp nhất lại với huyện Bình Xuyên thành huyện Mê Linh), Đa Phúc và Kim Anh (hai huyện này đã hợp lại thành một huyện Sóc Sơn)

 




 

Một số làng nghề truyền thống tiêu biểu, từ bao đời nay đã trở thành nét riêng, niềm tự hào của người dân Vĩnh Tường.

Vĩnh Tường xưa có rất nhiều làng nghề nổi tiếng như: Làng trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở Yên Lập, Vân Xuân, Sơn Tang; làng nghề đan cót, đan nong, thúng mủng, rổ rá ở Bích Chu. Đặc biệt, làng nghề lâu đời nhất phải kể đến làng Rèn Thùng Mạch, nấu rượu ở Vân Giang (Lý Nhân); nghề Mộc ở Bích Chu, Thủ Độ (An Tường); làng nghề nuôi Rắn Vĩnh Sơn; làng dệt vải ở Vân Ổ, Vân Xuân (được sánh ngang với làng dệt lụa Chu Chàng).

Chính vì thế, trong dân gian còn truyền lại câu: “Bích Chu đan cót, đan nong”. “Vân Giang nấu rượu, làng Thùng đánh dao”
hay:
“ Lụa Chàng, vải Ó khốn khó cũng mua”. Tuy nhiên, một số làng nghề nay đã bị mai một, hoặc thất truyền. Chỉ còn một số làng nghề truyền thống được bảo tồn, trao truyền và phát huy được giá trị lịch sử, giá trị kinh tế cho đến ngày nay:

Làng rèn Lý Nhân
Xã Lý Nhân có diện tích tự nhiên 282,6 ha, gồm 3 thôn, có hơn 1.200 hộ với hơn 5.400 khẩu. Từ rất xa xưa ở Lý Nhân hầu như nhà nào cũng làm nghề rèn. Người ta rèn từ dao, kéo, liềm, cuốc, thuổng, cày, bừa, búa, rìu…công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đồ dùng sinh hoạt gia đình. Các sản phẩm của Lý Nhân được người sử dụng ưa thích và trở nên nổi tiếng khắp nơi bởi họ luôn biết tạo dáng đẹp, lại có phương pháp bổ thép với nước tôi đạt chất lượng cao. Những năm tháng đất nước có chiến tranh dao Lý Nhân đã từng là một trong những thứ vũ khí lợi hại tham gia đánh giặc ngoại xâm...

Có người hỏi: Nghề rèn
 

Picture1

 
Lý Nhân có từ bao giờ? ai là ông tổ? Đã nhiều người bỏ công sức tìm hiểu nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Được các cụ cao tuổi trong xã kể lại: ngày xưa Lý Nhân là một làng ăn chơi có tiếng vào bậc nhất ở Vĩnh Tường. Vào những
ngày nông nhàn, hay lễ tết, tiệc tùng, người dân ở đây chỉ biết để tâm vào rượu chè, cờ bạc.

Một hôm, có ông Quận Công về làng thấy cung cảnh làm ăn sinh hoạt của người dân như vậy, ông khuyên mọi người nên học thêm một nghề nào đó mang lại cơm ăn và thu nhập cho gia đình chứ cứ nhìn cảnh này rồi không biết cuộc sống sẽ ra sao. Rồi chính ông trực tiếp mở lò rèn ngay tại Lý Nhân và đón thợ giỏi về dạy cho dân biết cách làm dao, cuốc, thuổng, cày, bừa….Thế rồi cả làng bảo nhau đến học, dần dần ai cũng biết nghề rèn, có người làm nghề tại quê hương, có người làm ở vùng quê khác…cứ thế, nghề rèn Lý Nhân phát triển và tồn tại cho đến ngày nay.

 

Picture2



Trong thời kỳ bao cấp Lý Nhân có HTX Rèn sản xuất tập trung thu hút 100% lao động của địa phương. Vào thời kỳ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nghề rèn Lý Nhân bị chững lại do chưa tìm được hướng đi mới. Tuy vậy, đây là nghề đặc thù mang tính gia đình nên có sự thích nghi với xã hội rất nhạy bén, hàng vạn công cụ cầm tay của Lý Nhân tiếp tục tìm đường đi đến khắp mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, có những mặt hàng như cuốc bàn, dao tông là vật dụng không thể thiếu được trong đời sống của mỗi gia đình người Lào ở biên giới giáp ranh.

 

Picture4



Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, hiện nay nhiều HTX, tổ hợp nghề rèn đã ra đời. Họ góp vốn cùng nhau mua sắm thêm máy móc chuyên dụng vào sản xuất cho giá trị kinh tế cao và giải phóng sức lao động cho nhân dân. Hiện nay, nghề rèn Lý Nhân rất khởi sắc các sản phẩm đã xuất khẩu đến các thị trường Trung Quốc, Lào, Cam Pu Chia. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã công nhận làng nghề Rèn Lý Nhân đạt tiêu chuẩn Làng nghề truyền thống năm 2006.

Làng Mộc Bích Chu, Thủ Độ

 Là hai thôn nằm ở ven sông Hồng thuộc xã An Tường. Làng Bích Chu có 780 hộ, 3.300 khẩu, (trong đó có 600 hộ làm nghề mộc); Làng Thủ Độ có hơn 200 hộ, 1.300 khẩu, (trong đó có 70% hộ làm nghề mộc). Người dân chủ yếu sản xuất đồ gỗ gia dụng và xuất khẩu. Bích Chu, Thủ Độ tự hào là một vùng quê có nghề Mộc truyền thống từ rất lâu đời. Từ rất lâu đời người dân Bích Chu, Thủ Độ đã từng vác cưa, đục đi hành nghề khắp nơi, tay nghề của họ có thể sánh với thợ của Sơn Tây, Nam Định, Bắc Ninh…những địa phương xếp hàng trứ danh về nghề mộc. Có câu ca rằng: “Ngồi ghế Bích Chu chưa ru đã ngủ”


 

Picture5



Hiện nay, mỗi hộ gia đình là một phân xưởng nhỏ sản xuất chế biến đồ gỗ gia dụng và xuất khẩu…các gia đình mạnh dạn áp dụng KHKT, từng bước đưa các máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị, năng suất nên sản phẩm làm ra rất phong phú, đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, chất lượng cao…cả hàng cao cấp và hàng thông dụng, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó Bích Chu, Thủ Độ còn sản xuất đồ mỹ nghệ cao cấp gồm: tượng gỗ ở các điện thờ, đền, miếu, những bức hoành phi, câu đối, đại tự sơn son thếp vàng hoa văn sắc sảo mang đậm nét văn hoá truyền thống

 

Picture6



Nhờ có nghề mộc, người dân Bích Chu, Thủ Độ có việc làm ổn định, thu nhập cao đời sống nhân dân từng bước được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người toàn xã trên 26 triệu đồng. Thị trường của sản phẩm mộc Bích Chu, Thủ Độ đã vươn xa khắp nơi và được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng, tin dùng. Ở một số nước Đông Á, Đông Âu đã có sự hiện diện của đồ gỗ cao cấp Bích Chu, Thủ Độ.

 

Picture7


Gần đây với thực trạng cạn kiệt tài nguyên, làng nghề Mộc Bích Chu, Thủ Độ Chu gặp nhiều khó khăn về vật liệu. Do biết vận dụng và thích ứng với thị trường nhiều gia đình, doanh nghiệp tư nhân đã biết dùng gỗ xoan đồng bằng, các loại vật liệu giả gỗ vào chế biến, sản xuất thay thế gỗ vì sự tồn tại và phát triển của làng nghề truyền thống. Tồn tại cùng năm tháng, đồ gỗ Bích Chu, Thủ Độ vẫn mãi mãi là sản phẩm mến mộ của khách hàng trong và ngoài nước.

 

Picture8


Năm 2006 làng nghề Bích Chu, Thủ Độ được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận làng nghề Mộc Bích Chu đạt tiêu chuẩn Làng nghề truyền thống; . Năm 2008 cả hai làng đều được Hiệp hội Làng nghề truyền thống Việt Nam công nhận làng nghề truyền thống. Ngoài ra nhiều cá nhân được UBND tỉnh, Hiệp hội Làng nghề truyền thống Việt Nam phong tặng là nghệ nhân nghề mộc.

Làng Rắn Vĩnh Sơn

 Vĩnh Sơn nằm ở trung tâm huyện Vĩnh Tường, có diện tích tự nhiên 327,34 ha, có 1.254 hộ và hơn 5.806 nhân khẩu.


 

Picture9


Người dân Vĩnh Sơn chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp và có nghề truyền thống chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ rắn (theo thống kê hiện nay có 700 hộ chăn nuôi, chế biến rắn). Với bí quyết gia truyền qua nhiều đời, từ việc săn bắt rắn người dân Vĩnh Sơn đã biết nuôi dưỡng, làm thịt và chế biến các sản phẩm như: rượu rắn, cao rắn, lọc rắn và những món ăn đặc sản từ rắn…kinh nghiệm này đã được duy trì, phát triển và trao truyền cho con cháu đến ngày nay.

 

Picture11

 

Những sản phẩm Rắn của Vĩnh Sơn không những nổi tiếng trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước Phương Tây, Đông Á, Đông Nam Á và Trung Quốc... Tại Hội chợ Quốc tế Giảng Võ năm 1981, 1982 sản phẩm rắn của Vĩnh Sơn đã được ban tổ chức Hội chợ tặng huy chương bạc. Ở các Hội chợ trong và ngoài tỉnh các sản phẩm này đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và hình thức sản phẩm.

 

Picture12

 

Có thể nói con rắn đối với người dân Vĩnh Sơn rất quan trọng, ngoài giá trị kinh tế, rắn còn là vị thuốc để chữa bệnh, bồi bổ sức khoẻ và chế biến các món ăn đặc sản. Chính vì vậy, chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ rắn đã đem lại việc làm, nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trong xã. Để duy trì và phát triển nghề chăn nuôi và chế biến rắn cổ truyền, ngày 24/11/2006 xã Vĩnh Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận làng nghề rắn Vĩnh Sơn đạt tiêu chuẩn Làng nghề truyền thống. Đây là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển làng nghề của Vĩnh Sơn trong giai đoạn mới.

 

Picture13


Để giữ gìn, phát huy các giá trị của các làng nghề truyền thống UBND huyên Vĩnh Tường đã ban hành Kế hoạch số 400/KH-UBND ngày 19/4/2011 về phát triển làng nghề huyện Vĩnh Tường giai đoạn 2011-2015. Đến nay, đã xây dựng, hoàn thiện cụm công nghiệp làng nghề rèn Lý Nhân, cụm công nghiệp làng nghề rắn Vĩnh Sơn. Hoàn chỉnh quy hoạch các làng nghề tập trung và đẩy nhanh việc lập dự án đầu tư xây dựng (Quy hoạch làng nghề Mộc Vân Giang, Văn Hà, quy hoạch làng nghề cơ khí, vận tải đường thuỷ Việt An- Việt Xuân). Thành lập Hiệp hội làng nghề tại các địa phương có làng nghề truyền thống. Tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các làng nghề mới.

Tăng cường công tác đào tạo thợ thủ công tại các làng nghề với số lượng lớn, tập trung, đảm bảo toàn bộ thợ thủ công trong các làng nghề được đào tạo tay nghề. Sản phẩm mang tính đặc thù (Rắn Vĩnh Sơn) có đầu ra tiêu thụ sản phẩm theo đường chính ngạch. Hướng dẫn các làng nghề đăng ký thương hiệu và bảo vệ thương hiệu. Phát triển làng nghề gắn với quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Tường

 

Top